LỊCH SỬ VIỆT NAM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Chiến tranh Tây Sơn-Chúa Nguyễn 1789-1802

Go down

Chiến tranh Tây Sơn-Chúa Nguyễn 1789-1802 Empty Chiến tranh Tây Sơn-Chúa Nguyễn 1789-1802

Bài gửi by Văn Vương Đế Sun Jun 22, 2008 3:01 pm

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Chiến tranh Tây Sơn-Chúa Nguyễn 1789-1802 là giai đoạn 2 của Chiến tranh Tây Sơn-Chúa Nguyễn. Nó bắt đầu khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế Tây Sơn và kết thúc khi Nguyễn Phúc Ánh đánh bại hoàn toàn tàn đảng của Tây Sơn năm 1802, thống nhất hoàn toàn Việt Nam để trở thành vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn là Gia Long Hoàng đế.

Chiến sự tại Nam Bộ

Tình hình chính trị, xã hội trong nước dưới triều Tây Sơn mới được ổn định hoàn toàn từ Đàng Trong ra tới Đàng Ngoài, tức là từ Trung Việt trở ra Bắc Việt. Còn miền Nam Việt bấy giờ thuộc Đông Định Vương Nguyễn Lữ nhưng đang có chiến tranh với quân chúa Nguyễn (Nguyễn Ánh) nên cơ bản, Việt Nam vẫn chưa được thống nhất hoàn toàn. Riêng về đất đai thuộc ảnh hưởng của thế lực Quang Trung thì thực tế chỉ có thể kể từ Thuận Hóa ra Bắc

So sánh lực lượng đôi bên

Trung tâm quyền lực của Tây Sơn được đặt tại vùng đã từng là các tỉnh trọng tâm của vương quốc nhà Nguyễn; nhờ thế, họ có thể dựa vào các tỉnh đông dân cư nhất để gia tăng số lính. Các đội quân của họ thường được nói có quân số lên tới cả 200,000 người và đôi khi còn hơn thế. Ngược lại, Nguyễn Ánh chỉ có thể dựa vào dân số gốc người Việt thưa thớt tại phần phía nam Đồng Bằng, cùng với các dân định cư gốc Trung Hoa và Mã Lai trong khu vực. Về mặt quân số, các lực lượng đa chủng tộc này không thực sự cân xứng với các đội quân đông đảo của Tây Sơn, bên còn có một hải lực hùng mạnh bao gồm hàng trăm chiến thuyền buồm và thuyền chèo galleys và các thuyền nhỏ hơn, được tăng cường bởi các hải tặc Trung Hoa được tuyển để điều khiển các thuyền buồm của họ. Các chiến dịch hành quân hỗn hợp của hải và lục quân Tây Sơn đưa đến nhiều cuộc thất trận nặng nề của lực lượng của Nguyễn Ánh. Họ không thể nào kháng cự các cuộc xâm nhập hàng năm vào phương Nam bởi các lực lượng Tây Sơn nhằm thu vét số thu hoạch lúa gạo, hay không thể phòng thủ được Sàigòn. Đức Giám mục Pigneau de Behaine đã thuyết phục ông hoàng trẻ tuổi Nguyễn Phúc Ánh rằng ông chỉ có thể đương đầu được ưu thế quân sự của Tây Sơn bằng cách áp dụng các trang thiết bị và các chiến thuật của Âu Châu[4]

Khúc quanh đã trùng hợp với chuyến du hành của Pigneau de Behaine sang Pondicherry và sau đó về Pháp trong thời khoảng giữa 1785 đến 1789, khi ông đã ký kết một hiệp ước quân sự với triều đình Pháp nhân danh Nguyễn Ánh. Vào lúc cuối cùng ông đã không thể thuyết phục được triều đình Pháp thực thi bản hiệp ước, nhưng ông đã thành công trong việc gây quỹ đủ tài chính và khuấy động đủ sự quan tâm của người Pháp về tương lai của Nguyễn Ánh giúp thu gom được nhiều kiện vũ khí và đạn dược xuất phát từ Pondicherry và đảo Mauritius. Nhiều chiến thuyền đã ở lại Cochinchina và được thuê mướn bởi Nguyễn Ánh và thủy thủ đoàn của chúng, cùng với một nhóm nhỏ các sĩ quan người Pháp mà ông giám mục đã thuyết phục họ gia nhập hàng ngũ. Họ chính yếu là các sĩ quan hải quân, nhưng hai người là các chuyên viên lục quân rất thông thạo về pháo binh và các kỹ thuật xây dựng các công sự phòng thủ. Điều thường được xác định là đã có tới 400 người Pháp phục vụ trong quân đội của Nguyễn Ánh, nhưng con số này đã được phóng đại quá lố [5]. Dựa theo các nguồn tư liệu của Pháp, nhiều nhất chưa có tới 100 người Pháp tại Nam Kỳ trước năm 1792, và chỉ có ít người ở lại sau thời điểm đó – có lẽ khoảng 12 sĩ quan và một vài người lính. Trong thời khoảng từ 1799 đến 1802, khi mà sự giao tranh mãnh liệt nhất đã xảy ra trước khi có sự chinh phục Việt Nam của Nguyễn Ánh, chỉ có bốn sĩ quan hải quân là hãy còn có mặt tại Cochinchina (Đàng Trong)[6]. Vì thế không thể nào nói rằng cá nhân họ đã làm thay đổi diễn biến của các sự việc. Tuy nhiên, họ đã huấn luyện quân đội của Nguyễn Ánh về các kỹ thuật mới và đã chia sẻ các kỹ thuật chiến đấu giúp cho quân lính và thủy thủ của ông cân bằng được ưu thế với quân đội Tây Sơn.

Quân chúa Nguyễn tái chiếm Gia Định

Vì ham tranh quyền nên anh em Tây Sơn đã không ngó ngàng gì đến các xứ Ðàng Trong nhất là từ Qui Nhơn (Bình Ðịnh) trở vào, lợi dụng thời cơ đó, Nguyễn Vương đã cùng với các bộ tướng cũ, tháng 9 năm Ðinh Mùi (1787), trở về nước. Chúa Nguyễn đã được dân miền Nam giúp đỡ rất nhiều, có nhiều tướng giỏi đến phò như Võ Tánh, nên chẳng mấy chốc lực lượng Nguyễn Vương đã lớn mạnh.[3]

Tháng 7 năm Đinh Vị (1787) quân Nguyễn đánh vào Long Xuyên có kết quả. Nguyễn Vương mạo một bức thơ để Nguyễn Lữ hiểu lầm thái độ của viên Trấn thủ Sài Côn là Phạm Văn Tham, lợi dụng sự nghi ngờ của tướng Tây Sơn, Nguyễn Vương chiếm Sa Đéc, Vĩnh Long rồi đóng quân ở Mỹ Tho dùng nơi này làm căn cứ.

Ngày 7- 9-1788 quân Nguyễn đánh được Gia Định đuổi được tướng Phạm Văn Tham đang giữ thành này. Từ giờ này trở về sau thành Gia Định nằm mãi mãi trong tay họ Nguyễn.

Tháng 9-1788, các tàu Dryade, Garonne, Đại úy Cook và Moyse mang nhiều vũ khí đến Sài Côn và một số sỹ quan Pháp là: Olivier, Dayot, Vannier, Laurent André Barisy, De Forsans phần nhiều sở trường về hải quân và tổ chức các ngành quân đội theo lối Âu châu. Từ giai đoạn này quân Gia Định của chúa Nguyễn mỗi ngày một mạnh bởi được chỉnh bị và cải tổ theo Tây phương về chiến thuật cũng như về chiến lược.

Năm Canh tuất (1790) quân Nguyễn chiếm lại Bình Thuận.

Tháng 3 năm Quý Sửu (1793) thái tử Cảnh được lập làm Đông Cung lănh chức coi Tả quân danh.

Nguyễn Ánh củng cố hậu phương

Chúa Nguyễn Ánh thi hành ở Gia Định chính sách định quốc an dân. Việc cờ bạc, đàng điếm, mê tín nhảm nhí đều cấm ngặt. các ngạch thuế khóa được đặt ra để lấy ngân sách duy trì quân đội và việc khẩn hoang, trồng trọt được thúc đẩy rất là mạnh mẽ. Mười hai Điền Tuấn quan trong đó có Trịnh Hoài Đức, Ngô Tùng Châu, Lê Quang Định được cử ra để quản lý dân làm ăn cầy cấy.

Nhà nước cấp trâu bò và nông cụ cho ai quá nghèo rồi các thứ này được trả bằng thóc vào ngày mùa. Chúa Nguyễn còn tổ chức các đồn điền ở những vùng cao nguyên. Khai khẩn ở đây là những đội gồm quân lính và dân chúng gọi là đồn điền đội, mỗi người phải nộp đồng niên 6 hộc thóc. Dân mộ được 10 người trở lên đi làm đồn điền tì́ cho làm cai trại và miễn sưu dịch. Nhờ có sự khôn khéo này Nam Kỳ xưa kia hoang vu dần dần trở nên trù phú, đông đảo và vui vẻ. Người ngoại quốc ra vào buôn bán tấp nập. Bấy giờ Nguyễn Vương chú ý rất nhiều đến việc mua các đồ đồng, sắt, gang, thép để làm quân khí và trả bằng ngũ cốc cùng đường cát.[7]

Từ năm 1790, khi mà Nguyễn Ánh trở về Nam Kỳ cho đến năm 1800, ông chỉ được hưởng hai năm trong hòa bình, năm 1797 và 1798: và hai năm này đã là, trong mọi khả tính xác xuất, hai năm quan trọng nhất cho sự trị vì nhiều trắc trở của ông tính đến lúc bấy giờ. Dưới sự che chở của Giám Mục Adran, người mà trong mọi công việc quan trọng đã là nhà cố vấn của Ngài, Nguyễn Ánh đã hướng sự chú tâm đến sự cải tiến xứ sở của mình. Nhà Vua đã thiết lập cơ sở chế tạo muối hột tại Fen-tan (xứ Chàm)... mở các tuyến giao thông giữa các đồn bót quan trọng và các thị trấn lớn, và cho trồng hai bên đường cây cối cho bóng mát. Nguyễn Ánh đã khuyến khích sự canh tác cây cau và lá trầu không, những đồn điền đã bị tàn phá bởi đạo quân nổi dậy Tây Sơn. Ông cũng treo giải thưởng cho việc truyền giống dâu tằm; tạo ra các vùng đất rộng lớn để chuẩn bị cho việc trồng cây mía đường; và thiết lập nhiều nhà máy điều chế hắc ín, nhựa đường, chất nhựa dẻo. Nguyễn Ánh cũng đã ra lệnh chế tạo ra hàng ngàn khẩu súng hỏa mai; Ngài cho khai một mỏ chứa quặng sắt, và xây dựng các lò nấu quặng luyện kim. Ông phân chia lực lượng bộ binh thành các trung đoàn chính quy, thiết lập các quân trường, nơi mà các sĩ quan được giảng dạy các lý thuyết về việc bắn súng và chế tạo đại bác bởi các thầy người Âu Châu…

Chúa Nguyễn gửi các phái đoàn đến các huyện miền núi phía tây vùng đất mình cai quản là nơi cư trú của dân Lào và dân Miêu (Miaotse) mà người Trung Hoa gọi họ bằng một danh xưng miệt thị là "Người Có Đuôi". Mặc dù trong mọi trường hợp khả hữu, họ là hậu duệ bình thường của các thổ dân thực sự nguyên thủy của đế quốc văn minh lâu đời này. Tóm lại, bằng sự ứng dụng không mệt mỏi các nghệ thuật và sự sáng tạo, Nguyễn Ánh, giống như Pyotr Đại đế của nước Nga, mà không cần đến sự tàn bạo, đã khơi động, bởi gương sáng cá nhân mình, các năng lực của thần dân của Ngài, và cũng giống như vị vua Alfred, đã không từ nan một sự khổ nhọc nào để đổi mới xứ sở của ông...
pig pig Twisted Evil Evil or Very Mad
Văn Vương Đế
Văn Vương Đế
Hoàng Đế Đại Việt
Hoàng Đế Đại Việt

Tổng số bài gửi : 251
Age : 32
Đến từ : Quốc Tử Giám
Registration date : 20/06/2008

Về Đầu Trang Go down

Chiến tranh Tây Sơn-Chúa Nguyễn 1789-1802 Empty Re: Chiến tranh Tây Sơn-Chúa Nguyễn 1789-1802

Bài gửi by Văn Vương Đế Sun Jun 22, 2008 3:03 pm

Các chiến dịch theo mùa của cả 2 phe

Được Gia Định làm căn cứ có đủ thóc gạo nuôi quân, ngay năm sau là tháng tư năm Canh Tuất (1790) Nguyễn Ánh cho Lê Văn Câu là Chưởng Tiền Quân đem 5.000 quân thủy bộ ra đánh thành Bình Thuận. Võ Tánh và Nguyễn Văn Thành về Gia Định. Lê Văn Câu ở lại giữ Phan Rí. Sau việc thất bại này Câu bị lột hết chức tước, lấy làm xấu hổ nên uống thuốc độc mà chết.

Những việc xuất quân của Gia Định trên đây xét ra không lợi. Bấy giờ là tháng 7, gió Bắc thổi mạnh phải đợi gió thuận thủy quân mới đi đánh nhau được.

Năm Nhâm Tý (1792) vua Quang Trung băng hà, con là Quang Toản lên ngôi mới 10 tuổi, vì thế Vương nghiệp triều Tây Sơn nhanh chóng rơi vào suy vong. Quang Toản lên ngôi vua, dùng cậu là Bùi Đắc Tuyên làm thái sư giám quốc trông coi mọi việc trong ngoài. Vì Quang Toản còn nhỏ quá, Bùi Đắc Tuyên ngày càng chuyên quyền nên trong ngoài đều oán, đại thần trong triều ngoài trấn nghi kỵ lẫn nhau.

Ðược tin vua Quang Trung băng hà, Nguyễn Ánh rất vui mừng, ông đẩy mạnh việc chuẩn bị đánh Tây Sơn. Dưới trướng Nguyễn Vương lúc bấy giờ có nhiều quan chức người nước ngoài như Dayot (Ông Trí), Philippe Vannier (Ông Chấn), Guilloux, Laurent Barisy (Ông Mân), De Forçant (Ông Lăng), Jean Baptiste Chaigneau, Olivier de Puymanel (Ông Tín), Theodore Lebuen. Những quan chức nầy là những cố vấn kỹ thuật cho Nguyễn Vương trong lãnh vực quân sự, vũ khí, đấp thành, v.v...

Năm Nhâm tý (1792) chúa Nguyễn tự thân đi đánh Qui Nhơn nhưng cũng không thành công. Từ đấy hằng năm cứ đến mùa gió nồm ngài cho quân tiến ra đánh các tỉnh miền Trung, khi gió bấc nổi lên lại rút quân về Gia Định.

Giữa các năm 1792 và 1799, hoạt động quân sự được ấn định bởi các cuộc viễn chinh của chúa Nguyễn có thời biểu theo gió mùa. Mỗi năm trong tháng Sáu khi luồng gió thuận lợi, một hải đội của chúa Nguyễn sẽ rời Gia Định và một đoàn lục quân được tiếp liệu đầy đủ sẽ lên đường trên đất liền. Tụ họp tại một địa điểm đã được chỉ định, hai lực lượng sẽ giao chiến với quân Tây Sơn, chiếm giữ lãnh thổ, đóng quân tại những địa điểm dễ phòng thủ nhất, và sau đó, khi bắt đầu có luồng gió bất lợi, lại quay về căn cứ của chúng tại miền Nam. Phe Tây Sơn cũng sử dụng các luồng gió đổi chiều để phóng ra các cuộc viễn chinh của mình vào lãnh thổ chúa Nguyễn, đến nỗi vào khoảng giữa thập niên 1790, một điệp khúc đã được thiết lập: gió mùa tây nam cho thấy sự tiến quân của chúa Nguyễn và sự triệt thoái của phe Tây Sơn; gió mùa đông bắc chứng kiến sự tiến quân của phe Tây Sơn và sự ra đi của quân chúa Nguyễn. Các chiến trường chính yếu nằm ở Đàng Trong, và dù thế các chiến dịch theo mùa (campagnes de saison-tiếng Pháp) đã không lập lại đều đặn mỗi năm, điều này có nghĩa Nguyễn Phúc Ánh dần dần mở rộng cơ sở quyền lực của ông lên phía bắc.[10]

Người trong nước trông ngóng quân của chúa Nguyễn từ Gia Định ra đánh Tây Sơn nên thời bấy giờ có câu ca dao còn truyền tụng đến giờ:[11]

Lấy trời cho cả gió nồm,
Để cho chúa Nguyễn kéo buồn thẳng ra.
Chiến dịch gió mùa đầu tiên, trong năm 1792, đưa đến một sự triệt hạ gần như hoàn toàn hải quân của Tây Sơn tại Thị Nại, hải cảng ở Qui Nhơn. Tại đó người anh của Hoàng Đế, Nguyễn Nhạc, đã thả neo một hạm đội các chiến thuyền vừa mới xây dựng xong để chuẩn bị cho một cuộc xâm lăng xuống miền nam. Khi tin tức về chiến dịch chủ định của họ đến tai Nguyễn Phúc Ánh, ông đã phát động một cuộc viễn chinh của chính mình dưới sự chỉ huy của hai người Pháp. Với chiều gió thuận lợi cho nó, lực lượng này đã mau chóng tiến tới cửa Thị Nại, nhận thấy các chiến thuyền Tây Sơn đậu kín tại hải cảng, và đã tiến vào bến tàu, nơi binh sĩ tức thì đổ bộ và chiếm giữ các đồn lũy. Viên tướng Tây Sơn và lực lượng của ông ta đã bỏ chạy, để lại đàng sau các chiến thuyền và vũ khí của mình. Trong số các thuyền tham dự trận đánh này có 40 chiếc thuyền hải tặc được tuyển mộ bởi Hoàng Đế Quang Trung. Ba trong số các thuyền này bị bắt giữ bởi phe chúa Nguyễn, cùng với 75 chiến thuyền khác từ hạm đội mới của người anh ông Hoàng Đế.

Đối với phe Tây Sơn, sự thất trận đã là một tai họa: chỉ có chin chiếc thuyền sàn bằng, boong thấp, chèo tay (galleys) trong hạm đội mới của họ là còn nguyên vẹn. Từ đó về sau, quyền lực của họ ngày càng suy sụp tại miền nam, nơi họ tiếp tục mất đi sự ủng hộ của quần chúng.[12]

Khi chúa Nguyễn Phúc Ánh rút quân từ Quy Nhơn về Diên Khánh mùa thu năm Quý Sửu (1793). Nhận thấy địa thế Diên Khánh hiểm trở, Nguyễn Phúc Ánh cho xây thành đào hào ở phủ lỵ để làm Tổng hành dinh và cất trại lập xưởng ở dãy núi gần Trường Cá gần cửa bể Nha Trang để đóng tàu bè và giữ mặt biển.

Thành nằm trên địa phận hai thôn Phú Mỹ và Trường Thạnh. Chung quanh đắp đất, chu vi 366 trượng 4 thước, cao 8 thước 5 tấc. Trổ 6 cửa ra vào, xây gạch kiên cố, trên có vọng lâu tứ diện thông phong. Trên thành có đặt súng đại bác ở bốn mặt. Trên dãy núi có trại xưởng ở Nha Trang cũng đặt súng đại bác và có thủy quân đóng. Do đó núi mang tên là núi Xưởng hay núi Trại Thủy.

Công việc phòng thủ lo xong, chúa Nguyễn giao Diên Khánh cho Nguyễn Văn Thành trấn, còn mình thì kéo tướng sĩ về Gia Ðịnh. Sau đó cho Hoàng tử Cảnh và Giám mục Bá Ða Lộc ra tăng cường. Năm Giáp Dần (1794), Vua Tây Sơn là Cảnh Thịnh sai Lê Văn Hưng vào đánh Phú Yên và Trần Quang Diệu vào đánh Diên Khánh. Lê Văn Hưng kéo quân đến Cù Mông thì gặp Nguyễn Quang Huy. Nguyễn Quang Huy sau khi bại binh ở Bình Thuận, không dám về Quy Nhơn, về quê hương ở Phú Yên, chiếm cứ một nơi hiểm yếu trong dãy Cù Mông đợi dịp lập công chuộc tội. Khi nghe binh Lê Văn Hưng kéo đánh Phú Yên thì liền đem quân ra hưởng ứng. Lê Văn Hưng vốn đã quen biết Nguyễn Quang Huy từ trước, nên vui mừng hợp tác với nhau. Phú Yên bị chiếm dễ dàng, Lê Văn Hưng để Nguyễn Quang Huy ở lại trấn thủ, kéo binh về Phú Xuân.

Còn Trần Quang Diệu vào Diên Khánh, quân trong thành đóng chặt cửa cố thủ. Thành kiên cố, Trần Quang Diệu không hạ nổi đành bao vây chờ quân trong thành cạn lương thực. Tướng quân Nguyễn là Nguyễn Văn Thành cho người lẻn về Gia Ðịnh cáo cấp. Nguyễn Phúc Ánh bèn đem đại binh giải vây. Trần Quang Diệu rút quân về.

Nguyễn Phúc Ánh thấy quân Tây Sơn còn mạnh và lại đương mùa gió bấc, tiến binh không thuận tiện, đem Hoàng tử Cảnh và Giám mục Bá Ða Lộc về Gia Ðịnh, để Võ Tánh ở lại trấn thủ Diên Khánh thay Nguyễn Văn Thành.

Sự biến Phú Xuân

Tháng giêng năm Ất Mão (1795), Trần Quang Diệu lại đem thủy binh và bộ binh vào đánh Diên Khánh. Võ Tánh giao chiến nhưng liệu không đánh lại, đóng chặt cửa thành cố thủ, đợi Gia Ðịnh cấp viện binh. Ðến tháng 2, Nguyễn Phúc Ánh đem thủy sư ra cứu Diên Khánh.

Thủy quân Nguyễn không lên được Diên Khánh vì bị thủy binh Tây Sơn của Trần Quang Diệu chận đánh ở Trường Cá Phương Sài, phải đóng ngoài biển Nha Trang và các nơi hiểm yếu trên đất. Ngày ngày hai bên đều có đánh nhau. Người trong xứ không làm ăn được yên ổn. Thành Diên Khánh bị vây chặt mà đoàn quân nào kéo ra cũng đều bị quân Tây Sơn tiêu diệt hoặc đánh lui, thủy quân nhà Nguyễn cũng không làm sao qua lại Trường Cá. Ưu thế nằm hẳn trong tay Trần Quang Diệu nhưng lúc này Diệu được tin Phú Xuân có biến. Nguyên do Bùi Ðắc Tuyên mỗi ngày mỗi thêm lộng quyền. Võ Văn Dũng về Phú Xuân không vào triều, lén cho mời Phạm Công Hưng và Nguyễn Văn Huấn đến bàn mưu giết Bùi Ðắc Tuyên. Ðêm đến kéo quân vây dinh Thái Sư. Chẳng ngờ đêm ấy Tuyên có việc ngủ trong cung. Bọn Dũng vây luôn cả cung và đòi Cảnh Thịnh giao Tuyên. Không dừng được, nhà vua phải bắt Tuyên đem giao, Dũng hạ ngục Tuyên rồi một mặt cho Nguyễn Văn Huấn vào Quy Nhơn bắt con Tuyên là Bùi Ðắc Trụ, một mặt giả chiếu ra Bắc Hà bắt Ngô Văn Sở, giải về Phú Xuân. Dũng cho Tuyên, Sở, Trụ mưu phản, đóng cũi nhốt đem dìm xuống sông Hương. Vua Cảnh Thịnh biết nhưng không sao ngăn cản được.

Diệu nghe tin bèn ra lệnh rút quân về. Ði đường núi đã lâu lại không tiện, Trần Quang Diệu phải mở đường biển theo gió nam mà đi cho nhanh. Nguyễn Phúc Ánh không cản đường.[13]

Trần Quang Diệu đến Phú Xuân, đóng quân tại An Cựu bên bờ phía nam sông Hương. Võ Văn Dũng cùng Nội hầu Nguyễn Thế Tứ cũng đem quân bản bộ đóng ở phía bắc sông Hương, cự nhau với Trần Quang Diệu.

Võ Ðình Tú lấy tình quen thân cả đôi bên, xin Vua Cảnh Thịnh cho phép đứng ra hòa giải. Nhưng rồi có người dèm cùng Cảnh Thịnh rằng Diệu nắm uy quyền trọng quá, e có ý khác. Cảnh Thịnh bèn thu hết binh quyền, chỉ để Diệu giữ hư vị trong triều mà thôi. Diệu sinh nghi kỵ, thường cáo bệnh không đi chầu, và ngày đêm cắt kẻ thủ hạ 200 người mang vũ khí bên mình để phòng vệ. Cảnh Thịnh lại sợ Võ Ðình Tú, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng là bạn cố giao, ở gần nhau bất lợi cho mình, bèn phong cho Tú chức Binh Bộ Tham tri vào coi quân ở Quy Nhơn và Phú Yên. Kế đó Phạm Công Hưng bị bệnh mất. Nguyễn Thế Tử bị thất sủng lén đem gia quyến đi khỏi Phú Xuân.

Nguyễn Văn Huấn đương trấn thủ Quy Nhơn bị Cảnh Thịnh triệu về kinh. Huấn về đến Phú Xuân, Thượng thư Hồ Công Diệu tâu cùng Cảnh Thịnh rằng Huấn ở Quy Nhơn mưu kết thông cùng giặc, bị gọi về kinh tỏ ý bất bình. Cảnh Thịnh nghe lời, đợi lúc Huấn vào chầu ra lệnh bắt giết.

Nguyễn Văn Bảo nổi dậy đánh thành Quy Nhơn, nhưng quân lực quá yếu, nên liền bị đánh tan. Bảo bị bắt nhận chìm xuống sông đến chết.

Viên Thái Phó Lê Văn Ứng tâu cùng Cảnh Thịnh rằng nội biến của Tiểu Triều là do Lê Trung là người Quy Nhơn, trước có phò Vua Thái Ðức, Cảnh Thịnh tin lời, triệu Lê Trung vào triều, thét đao phủ quân bắt giết. Con của Lê Trung là Lê Chất đương làm thủy quân Ðô Ðốc trấn giữ cửa Thị Nại, nghe tin nổi giận, chạy vào Gia Ðịnh quy hàng Nguyễn Phúc Ánh. Quyết trả thù, Lê Chất nói cho Nguyễn Phúc Ánh biết hết tất cả những cơ quan bí mật và những yếu điểm ở Thị Nại.[14]

Triều Cảnh Thịnh, Vua tôi nghi kỵ nhau, đình thần hãm hại nhau. Ai nấy đều lo quyền lợi riêng của mình, không nghĩ đến quyền lợi chung của dân của nước. Khiến thế nước càng ngày càng đảo khuynh, lòng người càng ngày càng ly tán.
Văn Vương Đế
Văn Vương Đế
Hoàng Đế Đại Việt
Hoàng Đế Đại Việt

Tổng số bài gửi : 251
Age : 32
Đến từ : Quốc Tử Giám
Registration date : 20/06/2008

Về Đầu Trang Go down

Chiến tranh Tây Sơn-Chúa Nguyễn 1789-1802 Empty Re: Chiến tranh Tây Sơn-Chúa Nguyễn 1789-1802

Bài gửi by Văn Vương Đế Sun Jun 22, 2008 3:10 pm

Tấn công Qui Nhơn

Trong cuộc chiến tranh trường kỳ với quân Tây Sơn, nhiều khi quân Nguyễn thắng là nhờ may mắn. Khi quân của chúa Nguyễn đến gần thành Qui Nhơn, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng vừa đến Quãng Nghĩa. Nghe quân Nguyễn đã giữ lại xứ Tân Quan, hai tướng bèn bỏ thuyền lên bộ, kéo đi hơn 20.000 quân. Diệu ở ngoài đèo Bến Đá giả gây thanh thế, Dũng đem quân đến Chung Xá mưu đánh úp. Ban đêm đi qua khe, có một con nai trong rừng nhảy ra, quân tiền đạo của Dũng nhìn thấy la lên : "Nai ! Nai ". Quân hậu đạo cũng vội la lên : " Đồng Nai ". Quân Tây Sơn tưởng là quân Nguyễn ở Đồng Nai bất thần ập tới nên khiếp sợ bỏ chạy, sập xuống hầm hố khá nhiều. Tống Viết Phúc nhân cơ hội đó đem vài trăm quân ra đuổi ,làm quân Tây Sơn thua to. Quan trấn thủ thành Qui Nhơn là Lê Văn Thanh mãi không thấy viện binh đến, mà luơng thực dự trữ đã hết sạch, nên đành phải mở cửa ra hàng. Nguyễn Ánh chiếm được thành, đổi Qui Nhơn là Bình Định. Đó là Năm Kỷ mùi (1799).[15]

Tháng Bảy năm 1797 Đô đốc Tây Sơn là Trần Thiên Bảo đã cầm đầu cuộc tiến quân vào bờ biển tỉnh Khánh Hòa. Phe chúa Nguyễn đối đầu bằng cách rải quân dọc theo bờ biển, sử dụng các thuyền buồm để bao vây một trong các hải cảng, và mở một cuộc tấn công cả trên đất liền lẫn từ ngoài biển, trong đó họ đã hạ sát được nhiều địch quân. Trong năm 1798, các thuyền buồm hải tặc Trung Hoa một lần nữa được ghi nhận xuất hiện bên ngoài hải phận tỉnh Khánh Hòa. Khi vị chỉ huy của đồn quân chúa Nguyễn gần đó, tại Diên Khánh nghe thấy sự xuất hiện của chúng, ông ta đã phóng ra một cuộc truy kích và bắt giữ được hai trong số các thuyền buồm của họ.[16]

Trong năm 1799 chiến sự tập trung quanh Qui Nhơn. Giai đoạn đầu của chiến dịch đã xảy ra ở Phú Xuân, nơi mà một đội tiên phong của chúa Nguyễn bao gồm lục quân, pháo binh và các thớt voi, dưới sự chỉ huy của Tướng Tống Phúc Lương, đã bị đối đầu bởi Phan Văn Tài (1 hải tặc Trung Hoa trong hàng ngũ Tây Sơn vào lúc này cũng là một “tướng lãnh”). Cuộc chiến xảy ra dữ dội, nhưng chung cuộc các lực lượng của họ Phan cho thấy không phải là đối thủ của quân chúa Nguyễn. Sau đó kẻ chiến thắng Tống Phúc Lương quay về Qui Nhơn, nơi ông và Nguyễn Phúc Ánh đã mở đường tiến vào hải cảng trước sự chống đối của các hải tặc phe Tây Sơn. Hai cuộc thất trận này, cùng với bước thoái lui trước đây tại Khánh Hòa, đã làm suy yếu một cách đáng kể sức mạnh của quân hải tặc và đưa đến nhiều sự đào ngũ.[17]

Cuộc thất trận tệ hại nhất vẫn chưa xảy ra. Trong tháng Bảy, các lực lượng phe chúa Nguyễn, sau khi dành được lối tiếp cận với tòa thành, đã chinh phục được Qui Nhơn, nơi họ đặt tên lại là Bình Định. Họ ở lại đó cho đến tháng Mười Một năm 1799, khi mà sự từ trần của vị cố vấn quân sự từ lâu của Nguyễn Phúc Ánh, đức giám mục Adran, Pigneau de Behaine, đã buộc họ phải gửi lực lượng chủ yếu về lại miền nam. Một hạm đội dưới quyền Tổng Binh Võ Tánh đã được lưu lại phòng vệ hải cảng ở đó, cửa Thị Nại, để chống lại hải tặc Tây Sơn.

Bình Định ở vị trí lẻ loi khó tiếp viện, nên mùa thu năm đó quân Tây Sơn vây thành và chận đường tiếp viện phía nam. Nhờ Võ Tánh giỏi cố thủ nên thành không bị mất. Năm Canh Thân (1800) chúa Nguyễn tự thân đi cứu viện đánh nhau nhiều phen với quân Tây Sơn nhưng không giải được vây.

Chúa Nguyễn lấy lại Kinh đô Phú Xuân-Nguyễn Phúc Ánh xưng Đế

Từ năm 1800, triều sóng chiến trận đã từ từ trở nên bất lợi cho phía Tây Sơn. Lần đầu tiên Nguyễn Phúc Ánh, thay vì trở về miền nam, đã ở lại Qui Nhơn, khi đó đang dưới sự bao vây. Sau gần một năm không có các kết quả quyết định, ông ta lựa chọn việc chuyển hướng tấn công vào Huế.

Năm Tân Dậu (1801) nghe theo lời khuyên của các tướng và nhất là lời tâu của Võ Tánh, qua mùa hạ chúa Nguyễn theo đường thủy dẫn quân đánh Thuận Hóa. Trước tiên ông ta phải triệt hạ lực lượng hải quân của Tây Sơn tại cửa Thị Nại. Kết quả một trận chiến vô cùng hao tổn xương máu xảy ra vào ngày 21 tháng Hai, 1801. Theo một kẻ tham dự người Pháp, J.B. Chaigneau, “chiến dịch là một cuộc giao tranh đẫm máu nhất mà người dân miền Nam (cochinchinese) chưa từng biết đến.” Quân Tây Sơn chịu tổn thất nặng nề, mất khỏang 50,000 người, phần lớn hạm đội của mình, và 6,000 khẩu đại bác, và các hải tặc Tây Sơn bị tan tác khi ba trong các thủ lãnh đáng sợ nhất của chúng – Mạc Quan Phù, Phan Văn Tài, và Lương Văn Canh – bị bắt giữ.[18]

Ngày mồng một tháng 5 năm Tân Dậu (1801) tiến quân vào cửa Tư Hiền, ngày mồng hai tiến đến Trường Hà, ngày mồng ba (2-6-1801) thu phục lại Kinh đô cũ. Xa giá tiến vào Kinh thành, vua Gia Long cho thu ấn tín, niêm phong kho tàng của Tây Sơn và an định dân chúng.[19] Từ ngày giữ chức Đại nguyên sóai đến lúc này trải qua 25 năm, Nguyễn Ánh được 40 tuổi, nhiều phen ông vào sinh ra tử mới thu phục lại được Kinh đô cũ.

Ðến tháng Tư năm Nhâm Tuất (1802) vua Gia Long cho sửa chữa Hoàng Thành, qua ngày mồng một tháng 5 cho lập đàn ở xã An ninh (nay là Kim Long, Hương Trà, Thừa Thiên) hiệp tế trời đất về việc đặt niên hiệu, hôm sau ngày mồng hai tháng 5 (1.6.1802) vua ngự ở điện nhận lễ triều hạ, đặt niên hiệu Gia long, ban lệnh đại xá khắp nước. Sau đó cho dựng Thái Miếu ở bên trái Hoàng Thành. Lên Ngôi vua rồi, ông sai Trịnh Hoài Ðức, Ngô Nhân Tĩnh đem phẩm vật và những ấn sách của nhà Thanh đã phong cho Tây Sơn, sang nạp cho Thiên Triều và xin cho mình làm An Nam Quốc Vương thay thế Tây Sơn.
Văn Vương Đế
Văn Vương Đế
Hoàng Đế Đại Việt
Hoàng Đế Đại Việt

Tổng số bài gửi : 251
Age : 32
Đến từ : Quốc Tử Giám
Registration date : 20/06/2008

Về Đầu Trang Go down

Chiến tranh Tây Sơn-Chúa Nguyễn 1789-1802 Empty Re: Chiến tranh Tây Sơn-Chúa Nguyễn 1789-1802

Bài gửi by Văn Vương Đế Sun Jun 22, 2008 3:11 pm

Vua tôi Tây Sơn chạy ra Bắc

Nhờ Bùi Thị Xuân hộ giá, Vua Cảnh Thịnh cùng cung quyến qua khỏi Linh Giang, ngày 5 tháng 5 năm Tân Dậu (1801) tới Thanh Hóa phi báo cho Nguyễn Quang Thùy vào rước. Tới Bắc Thành Cảnh Thịnh ngự nơi cung Vua Lê. Lúc bấy giờ mưa luôn cả tuần. Trong thành nước ngập lênh láng. Nước giựt rồi lại bị địa chấn. Ðất trước hoàng cung bị sụt hàng mẫu, sâu đến ba bốn thước. Ở Nghệ An, lầu Tam Tằng nơi Phụng Hoàng thành khi không mà ngã. Thiên hạ đều cho là triệu bất tường.

Vào hạ tuần tháng 5 năm Tân Dậu, nhà vua đổi niên hiệu là Bảo Hưng, xuống chiếu nhận lỗi cùng nhân dân và vỗ về tướng sĩ các trấn. Lại cử Thi trung Ðại Học Sĩ Ngô Thì Nhậm làm Binh Bộ Thượng Thư, Hiệp biện Ðại Học Sĩ Nguyễn Thế Lịch làm Lại bộ Thượng Thư, Thị trung Ngự Sử Phan Huy Ích là Lễ bộ Thượng Thư. Các quan văn võ khác thảy đều được thăng thưởng.

Ông còn sai đắp đền Phương Trạch tại Tây Hồ, lấy ngày Hạ chí và Ðông chí làm ngày lễ Trời Ðất, cho mở khoa thi để tuyển nhân tài.

Đại chiến Trấn Ninh

Ðến tháng 8, Quang Toản truyền hịch đi các trấn để bắt thêm binh, rồi sai Nguyễn Quang Thùy đem quân vào trấn Nghệ An.

Qua tháng 11, nhà vua Tây Sơn giao Bắc Thành cho hai em là Nguyễn Quang Thiệu, Nguyễn Quang Khanh, tự mình đem quân 4 trấn xứ Bắc và quân Thanh Hóa, Nghệ An hơn 30.000 người, kéo binh đến Linh Giang, Bùi Thị Xuân đem 5.000 thủ hạ theo hộ giá.

Tướng chúa Nguyễn là Nguyễn Văn Trương và Tống Phước Lương, Ðặng Trần Thường thấy binh thế của Tây Sơn quá mạnh, họ bỏ Linh Giang rút về Ðồng Hới. Chúa Nguyễn Phúc Ánh được tin, liền thân chinh, đem đại binh ra tiếp ứng, đóng tại Ðồng Hới. Ngài sai Phạm Văn Nhân và Ðặng Trần Thường đem quân ra giữ mặt bộ, sai Nguyễn Văn Trương ra giữ mặt biển.

Tháng giêng năm Nhâm Tuất (1802), Vua Tây Sơn sai Nguyễn Quang Thùy và Tổng Quân Siêu tiến quân lên đánh Trấn Ninh, Ðô Ðốc Nguyễn Văn Kiên và Tư Lệ Tiết thì đánh lũy Ðâu Mâu, Thiếu úy Ðặng Văn Tất và Ðô Ðốc Lực thì đem 100 thuyền chiến chặn ngang cửa Nhật Lệ.

Trấn Ninh, Ðâu Mâu, Nhật Lệ đều thuộc Quảng Bình. Ðó là ba căn cứ quân sự rất trọng yếu ở địa đầu trấn Thuận Hóa.

Lũy Trấn Ninh và Ðâu Mâu đã kiên cố lại phòng vệ nghiêm túc, Tây Sơn đánh mãi mà không hạ nổi. Vua Quang Toản của Tây Sơn liền dốc tất cả binh mã tới đánh Ðâu Mâu. Quân trên thành dùng súng đại bác bắn và lấy đá lớn quăng xuống khiến quân Tây Sơn lớp bị thương lớp chết rất nhiều. Quang Toản sợ muốn rút lui nhưng Bùi Thị Xuân không chịu, xin cho ra đốc chiến. Nhận thấy trong những khoảng có súng bắn thì không có đá quăng, mà súng thì bắn xa, dưới chân thành không bị đạn, súng lại không bắn liên tục được, Bùi Thị Xuân bèn nhảy vào chân thành. Nữ binh theo gương nhảy theo tới chân thành, chuyền lên vai nhau, trèo vào thành. Lính canh súng và quăng đá không đề phòng. Ở ngoài binh Tây Sơn cứ những nơi không có đạn bắn đá quăng, tiến vào chân thành, và theo phương pháp chuyền vai mà lên. Hai bên đánh xáp lá cà từ sáng đến chiều.

Thành sắp hạ được thì có tin thủy quân Nhật Lệ bị quân chúa Nguyễn đánh tan. Nguyễn Quang Toản hoảng hốt ra lệnh lui binh. Không sao cản được, Bùi Thị Xuân phải mở đường máu để tháo chạy. Các tướng của Tây Sơn như Ðô Ðốc Kiên và Tư Lệ Tiết không theo kịp, phải đầu hàng.

Nguyễn Quang Toản chạy đến Linh Giang thì bị tướng Nguyễn Văn Trương chận lại. Quân Tây Sơn không còn sức chống cự, Bùi Thị Xuân lại một phen liều mạng mới đưa được Quang Toản sang sông.

Về đến Nghệ An, tàn quân Tây Sơn còn không quá vài trăm.

Ở Trấn Ninh, Nguyễn Quang Thùy nghe tin đại binh rút lui, liền cũng rút lui. Nhưng không qua nổi Linh Giang, phải chạy lên đường núi mà đi, hơn tuần nhật mới về đến Nghệ An.

Sau khi gặp lại nhau, anh em Quang Toản cùng Quang Thùy chạy ra Bắc, để Nguyễn Văn Thân ở lại giữ Nghệ An. Bùi Thị Xuân thương tích chưa lành, nên xin ở lại Nghệ An điều dưỡng. Chúa Nguyễn thắng quân Tây Sơn ở Trấn Ninh, Nhật Lệ rồi, bèn lui quân về Phú Xuân, để tướng Nguyễn Văn Trương giữ Ðồng Hới, Tống Phúc Lương và Ðặng Trần Thường giữ Linh Giang.
Văn Vương Đế
Văn Vương Đế
Hoàng Đế Đại Việt
Hoàng Đế Đại Việt

Tổng số bài gửi : 251
Age : 32
Đến từ : Quốc Tử Giám
Registration date : 20/06/2008

Về Đầu Trang Go down

Chiến tranh Tây Sơn-Chúa Nguyễn 1789-1802 Empty Re: Chiến tranh Tây Sơn-Chúa Nguyễn 1789-1802

Bài gửi by Văn Vương Đế Sun Jun 22, 2008 3:13 pm

Trận chiến tại Kỳ Sơn

Trong lúc chúa Nguyễn đem quân ra Ðồng Hới thì ở Quảng Nghĩa, các tướng Lê Văn Duyệt và Lê Chất đem quân vào Quy Nhơn, Lê Chất đi đường biển vào cửa An Dũ, Lê Văn Duyệt theo đường hẻm Chung Xá vượt qua núi La Sung, hợp nhau ở Bồng Sơn, rồi kéo vào Quy Nhơn. Nghe tin Lê Văn Duyệt và Lê Chất đã vào được Quy Nhơn, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Huỳnh Ðức ở Phú Yên kéo quân ra tiếp ứng.

Quân Tây Sơn do Võ Văn Dũng, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Văn Lộc điều khiển cũng chia nhau ra chặn đánh. Trận đánh lớn nhất giữa 2 phe diễn ra ở núi Kỳ Sơn.

Nguyễn Văn Lộc là người Kỳ Sơn, biết rõ những nơi hiểm yếu. Với 8.000 quân, phục hơn 20 chỗ, ông chặn được 30.000 quân của Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Thành. Do vậy mà quân nhà Nguyễn không đến gần được thành Quy Nhơn. Quân trong ngoài ra vào không trở ngại. Quân nhà Nguyễn đóng giữ mặt bắc ở Thạch Tân và mặt bể ở Cách Thử, Thị Nại. Quân Tây Sơn cũng đóng yên trong và ngoài thành, gờm nhau với quân nhà Nguyễn.

Nhưng khi tướng tây Sơn Trần Quang Diệu được tin quân Tây Sơn đại bại ở Nhật Lệ, Trấn Ninh, chúa Nguyễn đã hoàn toàn làm chủ đất Thuận Hóa thì thất kinh, bàn cùng các tướng phải đem quân về cứu.

Sắp đặt xong, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng cùng các bộ tướng đem 3.000 quân, 80 thớt voi, theo đường thượng đạo sang Lào để ra Nghệ An, vào thượng tuần tháng 3 năm Nhâm Tuất (1802). Sở dĩ phải sang Lào là do sau khi quân Tây Sơn bị đại bại ở Nhật Lệ và Trấn Ninh, thì đất Thuận Hóa từ Hải Vân Sơn đến Linh Giang hoàn toàn thuộc về nhà Nguyễn.

Những trận đánh cuối cùng truy quét tàn quân Tây Sơn

Qua tháng 6, vua Gia Long đưa quân ra Bắc tiểu trừ quân địch, sai Nguyễn Văn Trương lãnh thủy binh, Lê Văn Duyệt và Lê Chất lãnh bộ binh, đi trước.

Tháng 6, quân bộ Tây Sơn qua sông Linh Giang, tiến lên đóng ở Hà Trung, quân thủy vào cửa Hội Thống, rồi cùng đánh phá các đồn lũy của Tây Sơn. Viên trấn thủ Tây Sơn tại Nghệ An là Nguyễn Văn Thuận bỏ thành chạy ra giữ đồn Tiền Lý ở Diễn Châu.

Lúc bấy giờ Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đã đến Quy Hợp. Ðường đi khó khăn, hết đèo lại dốc, phần lam sơn chướng khí, phần rắn độc thú dữ, phần bị các thổ ty ủng hộ chúa Nguyễn như Hà Công Thái, Nguyễn Ðình Ba... đột kích, đoàn tùy tùng Trần Quang Diệu bị hao hụt dần dần. Khi tới được Nghệ An thì quân của ông ta mười phần chỉ còn ba bốn. Ðoàn tượng binh chỉ còn mươi thớt! Tướng sĩ hầu hết đều bị sốt rét rừng. Ngay cả Trần Quang Diệu cũng bị phù thủng, đi đứng khó khăn.

Trần Quang Diệu kéo quân xuống Hương Sơn. Tướng nhà Nguyễn là Võ Doãn Văn, Lê Ðức Ðịnh dẫn binh đến đánh bất thình lình. Trở tay không kịp, quân sĩ Tây Sơn bị giết sạch. Trần Quang Diệu cùng các bộ tướng Từ Văn Chiêu, Nguyễn Văn Giáp, Lê Văn Ðiềm, Nguyễn Văn Miên, Võ Văn Dũng đều bị bắt.

Ở Diễn Châu, Bùi Thị Xuân hay tin, liền đem nữ binh đi giải cứu. Ðến Giáp sơn thì giải cứu được. Chạy đến sông Thành Chương thì bị quân nhà Nguyễn chận đánh. Quân Tây Sơn liều chết lăn xả vào chém giết quân Nguyễn. Bùi Thị Xuân và đoàn nữ binh xông vào đánh nhưng quân Nguyễn đông hơn, phe Tây Sơn dần dần bị yếu thế. Các tùy tướng lớp bị chết, lớp bị bắt trở lại. Chỉ có Bùi nữ tướng, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng chạy khỏi. Song Trần Quang Diệu kiệt sức đi không nỗi nữa. Bùi Thị Xuân phải lo bảo vệ chồng, không rảnh tay chống cự cùng binh tướng nhà Nguyễn, nên cả hai vợ chồng đều bị bắt giữ. Một mình Võ Văn Dũng thoát được. Nhưng chạy ra đến Nông Cống (Thanh Hóa), bị Lê Văn Pháp, Phạm Ngọc Thụy cùng nhân dân địa phương ra bao vây. Một mình không chống nổi đám đông. Võ bị bắt trở lại. Cả bọn Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng đều bị đóng cũi giải về Nghệ An.

Sau chiến thắng ở Nghệ An, chúa Nguyễn Phúc Ánh tiến ra truy kích quân Tây Sơn ở Thanh Hóa. Ðốc trấn là Nguyễn Quang Bàn khiếp sợ mở thành đầu hàng. Ðô Ðốc Đặng Xuân Bảo cương quyết cùng binh lính xông ra thành chống cự.

Quân Nguyễn chạy ra xa dùng tên đạn bắn, hết lớp này đến lớp khác, quân Tây Sơn bị chết lần lần. Đặng Xuân Bảo bị trúng đạn té quỵ, Quân Nguyễn bắt sống được ông ta. Chúa Nguyễn Phúc Ánh dụ hàng. Bảo nhất định không hàng, nhịn ăn năm ngày không chết, bèn đập đầu vào vách tuẫn tiết.

Lực lượng Tây Sơn tại Bắc Thành lúc bấy giờ đã quá yếu. Bao nhiêu tinh binh, Tây Sơn đã đem đi đánh Trấn Ninh và Nhật Lệ, tân quân Tây Sơn mới bắt lính ở các trấn về, chưa tập luyện được thành thục, nên vừa đụng trận đã rã đám.

Quân Nguyễn Phúc Ánh rầm rộ kéo đến Thăng Long. Quân Tây Sơn nghe tin khiếp đảm, bỏ thành trốn gần hết. Liệu không thể chống giữ nổi, Ðại Ðô Ðốc Nguyễn Văn Tuyết và phu nhân của ông là bà Trần Thị Lan đưa Quang Toản cùng cung quyến sang sông Nhị Hà chạy lên vùng núi phía Bắc. Ðô Ðốc Nguyễn Văn Tứ, Tư Mã Nguyễn Văn Dụng theo hộ giá. Nguyễn Quang Thùy cùng Ðô Ðốc Trương Ðăng Ðồ tức Tú Ðức Hầu ở lại giữ thành. Ðoàn Ngự giá của Tây Sơn tới Xương giang, đêm nghỉ ngơi nhà dân địa phương, bị dân cáo giác. Quân nhà Nguyễn kéo đến vây đánh, 2 tướng Tây Sơn là Nguyễn Văn Tứ và Nguyễn Văn Dụng bị tử trận. Hai ông bà Ðô Ðốc Tuyết phá được vòng vây, phò xa giá chạy được mươi dặm nữa thì quân nhà Nguyễn do Lê Chất chỉ huy đuổi kịp. Giáp mặt Lê Chất, Ðô Ðốc Tuyết hỏi:

- Nhà ngươi quên ơn chúa cũ?

Ông đáp:

- Ngũ Tử Tư chỉ nhớ đến thù cha.

Lê Chất nói câu này hàm ý nhắc lại việc vua Tây Sơn Cảnh Thịnh đã cho người sát hại cha mình là Lê Trung trước đây.

Vua Quang Toản cùng cung quyến đều bị giải về Thăng Long.

Ðó là ngày 16 tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802).

Mấy hôm sau Nguyễn Quang Thùy và vợ chồng Tú Ðức Hầu cũng bị bắt ở Sơn Tây, Nguyễn Quang Thùy đập đầu tuẫn tiết. Tú Ðức Hầu cùng phu nhân rút gươm tự sát.

Nhà Tây Sơn tới đây là dứt. Quang Toản lên ngôi vua nǎm 1793, đến nǎm 1802 thì bị giết ở tuổi 20, ở ngôi được 9 nǎm. Như vậy triều Tây Sơn kể từ vua Thái Đức Nguyễn Nhạc đến hết Cảnh Thịnh tồn tại được 24 nǎm (1778-1802).[20]

Ðến ngày 21 tháng 6 xa giá vua Gia Long tiến vào Thăng Long thực hiện việc thống nhất sơn hà. Sau đó vua ban dụ cho các cựu thần nhà Lê cùng kẻ sĩ Bắc Hà đến triều kiến, tùy theo khả năng mà bổ dụng. Vua còn chu cấp cho những người trung nghĩa ở miền Bắc đã bỏ mình. Ông cũng tới viếng lăng vua Lê Thái Tổ, sắc phong cho con cháu nhà Lê và họ Trịnh, cấp cho tự điền và mộ phu để lo việc thờ tự tổ tiên. Ðến tháng 10 vua trở về Thanh Hóa yết kiến lăng miếu ở Thiên Tôn ngày 26 trở về Kinh bái kiến Thái miếu.

Tháng 11 năm Nhâm Tuất (1802) vua làm lễ tế trời đất, yết Thái miếu hiến phu và xử trị vua quan Tây sơn.

Ðến tháng 6 cùng năm thì vua Gia Long đã thống nhất được sơn hà, chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài gần 300 năm.[4] Trận đánh cuối cùng của vua Gia Long và tàn quân Tây Sơn là tại đảo Giang Bình thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc tháng 7/1802. Quân chúa Nguyễn đã chém đầu Đại Tư Mã Trịnh Thất-1 hải tặc Trung Hoa trong hàng ngũ Tây Sơn-và kết thúc hoàn toàn cuộc nội chiến đã kéo dài suốt gần 30 năm.

Tháng Giêng năm Giáp tý (1804), vua làm lễ nhận tuyên phong của nhà Thanh, qua tháng 2 đổi quốc hiệu là Việt Nam và mãi đến năm Bính Dần (1806) vua Gia Long mới chính thức làm lễ lên ngôi Hoàng Ðế ở điện Thái Hòa.


sunny
Văn Vương Đế
Văn Vương Đế
Hoàng Đế Đại Việt
Hoàng Đế Đại Việt

Tổng số bài gửi : 251
Age : 32
Đến từ : Quốc Tử Giám
Registration date : 20/06/2008

Về Đầu Trang Go down

Chiến tranh Tây Sơn-Chúa Nguyễn 1789-1802 Empty Re: Chiến tranh Tây Sơn-Chúa Nguyễn 1789-1802

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết