LỊCH SỬ VIỆT NAM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Trịnh Tạc

Go down

Trịnh Tạc Empty Trịnh Tạc

Bài gửi by Văn Vương Đế Thu Jun 26, 2008 6:51 am

Tây Định vương Trịnh Tạc (1606-1682) là chúa Trịnh thứ tư thời Lê trung hưng, cai trị từ năm 1657 đến 1682. Trịnh Tạc là chúa Trịnh duy nhất chứng kiến cả 7 cuộc xung đột Trịnh-Nguyễn thế kỷ 17 và có công chấm dứt việc cát cứ của họ Mạc ở Cao Bằng, đưa miền Bắc nước Đại Việt bước vào thời thịnh trị.

Trịnh Tạc là con thứ hai của Thanh Đô vương Trịnh Tráng, mẹ là Nguyễn Thị Ngọc Tú, con gái Nguyễn Hoàng.

Nam chinh

Cuộc đời Trịnh Tạc chứng kiến cả 7 lần nam chinh của quân Trịnh mà trong đó ông tham dự 4 lần, với tư cách trực tiếp tham chiến hoặc tổng chỉ huy. Trong 2 lần đầu (1627 và 1633), Trịnh Tạc chưa dự vào chiến sự.

Tái chiếm Bắc Bố Chính

Năm 1652, Trịnh Tráng tuổi đã cao, bèn phong cho Trịnh Tạc từ chức Tây quận công lên làm Tây Định vương, dần dần nắm quyền quản lý việc triều chính.

Năm 1655, chúa Nguyễn cử hai tướng giỏi là Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật mang quân bắc tiến, thế mạnh như trẻ tre, quân Trịnh liên tiếp bại trận, mất tướng hao quân, 7 huyện Nam Nghệ An (Hà Tĩnh ngày nay) bị mất.

Trước tình hình đó, Trịnh Tạc được điều vào Nghệ An làm Thống lĩnh. Nguyễn Hữu Tiến thấy viện binh của Trịnh Tạc sợ hãi không dám đối địch, phải lui về giữ Hà Trung (thủ phủ Nghệ An lúc đó). Tuy nhiên đúng lúc đó họ Mạc ở Cao Bằng lại quấy rối, Trịnh Tạc phải rút về bắc, để lại các tướng dưới quyền cầm cự quân Nguyễn.

Hữu Tiến và Hữu Dật lại thừa cơ tổ chức tấn công, liên tiếp đánh bại quân Trịnh. Trịnh Tráng bèn cử em Trịnh Tạc là Trịnh Toàn vào cứu viện. Trịnh Toàn tuy đánh thắng được quân Nguyễn trận đầu, lấy lại chút khí thế cho quân Trịnh nhưng sau đó lại bị thua, phải rút về An Trường.

Việc Toàn án binh ở An Trường và chú tâm lấy lòng tướng sĩ khiến Trịnh Tạc không yên tâm, bèn cử người con trưởng là Trịnh Căn mới 24 tuổi ra mặt trận, vừa để tiếp viện vừa đề phòng Trịnh Toàn.

Tháng 4 năm 1657, trong lúc chiến sự đang ác liệt thì Trịnh Tráng qua đời, Trịnh Tạc chính thức lên thay ngôi chúa trong tình hình bề bộn công việc. Trịnh Căn ra mặt trận tìm cách cô lập Trịnh Toàn, Toàn bí thế phải theo lệnh triệu tập về kinh. Trịnh Tạc lấy cớ không chịu tang cha, giam Toàn vào ngục và giết đi.

Yên tâm với việc ổn định ngôi vị, cha con Trịnh Tạc dốc tâm vào chiến trường phía nam. Sau một số trận giằng co, quân Nguyễn cũng phải hưu chiến vì không đủ lực lượng tổng tấn công ra bắc. Nguyễn Hữu Dật sai người ra bắc câu kết với các lực lượng phản Trịnh như Phạm Hữu Lễ ở Sơn Tây, họ Mạc ở Cao Bằng, họ Vũ ở Tuyên Quang (Chúa Bầu). Tuy nhiên hai bên dùng dằng, ỷ lại vào nhau. Trịnh Tạc phát giác việc Hữu Lễ mưu phản nhưng không cầm quân chinh phạt vì làm như vậy sẽ làm kinh động vua Lê và dân chúng quanh kinh kỳ, tạo thời cơ cho các lực lượng Mạc, Vũ và Nguyễn tấn công sẽ càng nguy hiểm hơn. Ông dùng mưu dụ và giết chết Phạm Hữu Lễ. Các cánh Vũ, Mạc vốn có toan tính riêng chứ không thực lòng muốn giúp Nguyễn, chỉ trông chờ quân Nguyễn đánh mạnh ra bắc mới hành động. Vì thế khi Hữu Lễ bị trừ rồi các cánh Mạc, Vũ không dám cử động, quân Nguyễn cũng hết trông đợi nội ứng.

Cùng lúc đó các tướng Nguyễn bất hoà. Sau hơn 2 năm cầm cự, Trịnh Tạc phát thêm viện binh trợ chiến cho Trịnh Căn đánh bại quân Nguyễn ở Lận Sơn. Cả hai danh tướng bách chiến bách thắng của Nam Hà đều bị đánh bại. Quân Nguyễn bắt đầu nản lòng. Trịnh Tạc nhân đó tiếp tục tăng viện cho con, tháng 11 năm 1660 đánh bại quân Nguyễn một trận lớn, lấy lại 7 huyện ở Nghệ An và sau đó chiếm lại nốt Bắc Bố Chính.

Chấm dứt trường kỳ nam chinh

Sau chiến thắng giành lại bờ bắc sông Gianh, quân Trịnh giành lại thế chủ động như những cuộc nam chinh trước đây.

Cuối năm 1661, Trịnh Tạc tổ chức nam chinh lần thứ 6 nhưng lần này lại gặp phải chiến luỹ phòng thủ vững chắc của quân Nguyễn nên đầu năm sau phải rút về. Hơn 10 năm sau (1672), sau nhiều năm củng cố thực lực, Trịnh Tạc quyết tâm đánh miền nam một lần nữa nhưng vẫn không thể hạ được luỹ Trấn Ninh. Cuối cùng, nhận thấy quân Nguyễn không đủ sức tổ chức bắc tiến để đe doạ Bắc Hà như hồi 1655 được nữa mà quân Trịnh đi nam tiến cũng hao người tốn của, Trịnh Tạc quyết định chấm dứt chiến tranh với họ Nguyễn để duy trì hoà bình cho cả hai miền, lấy sông Gianh làm ranh giới.

Dẹp bắc

Họ Mạc từ đời Bình An vương Trịnh Tùng đã mất ngôi cai trị ở Thăng Long, nhờ vào sự can thiệp của nhà Minh để rút lên cát cứ tại Cao Bằng. Sau đó từ thời Thanh Đô vương Trịnh Tráng, họ Mạc nhiều lần quấy phá nhiều nơi ở Bắc Bộ, quân Trịnh nhiều lần đi dẹp nhưng chưa không diệt được.

Sau khi nhà Minh mất hẳn (1660), nhà Thanh lên thay có giúp họ Mạc một thời gian nhưng sau đó cũng không giúp nữa vì Mạc Kính Vũ lại theo phản thần Ngô Tam Quế chống nhà Thanh. Nắm được thời cơ tiêu diệt họ Mạc, năm 1667, Trịnh Tạc cử Trịnh Căn làm tổng chỉ huy cùng các tướng Đinh Văn Tả, Lê Thì Hiến, Lê Sĩ Triệt, Hồ Sĩ Dương tiến đánh Cao Bằng. Kính Vũ bỏ trốn sang nhà Thanh rồi bị bắt. Trịnh Tạc dứt được lực lượng cát cứ của họ Mạc ở Cao Bằng kéo dài suốt 80 năm, tự gia phong làm Đại nguyên soái thượng sư Thái phụ Tây vương.

Cai trị Đàng Ngoài

Chiến tranh phía nam kết thúc, Trịnh Tạc chú tâm tới củng cố bộ máy theo lối chính quy. Ông quy định các văn thần phải thay phiên nhau vào ứng tực tại phủ chúa để làm việc, gọi là “nhập các”. Dưới sự tham gia, cố vấn của tham tụng Phạm Công Trứ, một loạt chính sách mới về thuế khoá, ruộng đất được ban hành để giải quyết hậu quả chiến tranh. Đó là phép bình lệ, là phép “khoán đinh”, làm sổ đinh nhất định một lần, mỗi làng quy định phải đóng bao nhiêu suất đinh, cứ như vậy hằng năm phải đóng theo số lượng đó, dù sinh thêm hay chết bớt người cũng không thay đổi.

Tuy nhiên, cũng bắt đầu từ thời kỳ này, xuất hiện nạn “kiêu binh”. Lính Thanh - Nghệ cậy có công lai trong chiến trận sinh ra kiêu ngạo, phóng túng, giết chết bồi tụng Nguyễn Quốc Trinh, cướp phá nhà tham tụng Phạm Công Trứ. Kinh thành bị náo loạn.

Theo gương cha trước đây, để giúp con tiếp quản dần ngôi vị chúa khi mình đã cao tuổi, tháng 7 nǎm 1674, khi sắp bước sang tuổi 70, Trịnh Tạc xin vua Lê tiến phong cho Trịnh Cǎn làm Nguyên soái, tước Định Nam vương, nắm toàn quyền thay mình. Trịnh Cǎn tự xưng là Phó vương.

Nǎm 1682, Trịnh Tạc mất, Định Nam vương Trịnh Cǎn lên nối ngôi. Trịnh Tạc nắm quyền 25 nǎm, trải qua 4 đời vua Lê: Thần Tông, Huyền Tông, Gia Tông và Hy Tông, thọ 77 tuổi, được tôn là Hoằng tổ Dương vương.
Văn Vương Đế
Văn Vương Đế
Hoàng Đế Đại Việt
Hoàng Đế Đại Việt

Tổng số bài gửi : 251
Age : 32
Đến từ : Quốc Tử Giám
Registration date : 20/06/2008

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết